moi

Thứ Hai, 31 tháng 10, 2016

Hứng chịu đòn bao vây nhiều mặt, 3 tàu khinh hạm tên lửa của Nga buộc phải bán tháo!

Hứng chịu đòn bao vây nhiều mặt, 3 tàu khinh hạm tên lửa của Nga buộc phải bán tháo!



Tàu Admiral Grigorovich chiếc đầu tiên của đề án 11356 được bàn giao cho Hải quân Nga.

Các tàu khinh hạm tên lửa của Nga đang được đóng, tiền không thiếu, nhưng không có động cơ của Ukraine thì chúng mãi mãi sẽ nằm lại trong xưởng.



Khi tại Ukraine xảy ra đảo chính, một cuộc chiến tranh đã nổ ra nhằm chống lại Nga. Nếu như không phải khu vực Donbass nổi dậy thì có lẽ cuộc chiến tranh đó đã không chỉ dừng lại ở lĩnh vực truyền thông và kinh tế…
Và Nga đã phải lãnh chịu quả đắng, các mắt xích sản xuất được kết nối với Ukraine trong suốt lịch sử vài chục năm qua đã bị đứt quãng. Nga vấp phải những vấn đề rất cụ thể mà gây hậu quả khôn lường trong tương lai.
"Các tàu chiến của một số đề án sẽ không được hoàn thiện vì một vài hợp đồng rất lớn đã ký với Công ty chế tạo động cơ Nikolaevsky, tiền giải ngân, nhưng sản phẩm họ không thèm bàn giao, còn tiền không chịu trả lại. Kiện ra tòa tại Kiev chăng? Hãy đi mà kiện!", hãng RIA Novosti trích dẫn lời phó thủ tướng Nga Dmitri Rogozin.
Tàu khinh hạm tên lửa hiện đại!
Nga hiện sở hữu các tàu khinh hạm tên lửa đề 11356 được đánh giá rất tuyệt vời. Với lượng giãn nước 4 nghìn tấn, chúng được trang bị bệ phóng đa năng có thể dùng mang phóng các tên lửa Kalibr hoặc Onyx hiện đại và đáng gờm.
Tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung "Shtil-1" phóng thẳng đứng có nhiệm vụ đối phó với các mối đe dọa từ trên không, diệt tối đa 12 mục tiêu cùng lúc ở cự ly 50km và độ cao tới 15km với cơ số đạn 3 quả vào một mục tiêu, đảm bảo xác suất trúng đích cao nhất, đủ sức phòng thủ toàn diện kể cả trong trường hợp bị tấn công tổng lực.
Ở tầm gần và cực gần, các tàu này có khả năng phòng vệ bằng 2 tổ hợp pháo/tên lửa "Palash" cùng 2 pháo bắn nhanh 6 nòng.
Trên tàu còn trang bị cả tổ hợp pháo 100mm cực mạnh, tốc độ bắn nhanh nhất trên thế giới với 80 viên/phút nhằm vào các mục tiêu ở khoảng cách 20km.
Để chống lại các tàu ngầm, nó sử dụng 2 máy phóng ngư lôi và thiết bị thả thủy lôi chống ngầm RBU-6000. Chiếc tàu này còn bố trí sàn đáp và khoang đỗ cho máy bay trực thăng Ka-27 hoặc Ka-31 cảnh báo sớm trên không.
Nói chung, đây là chiếc tàu khinh hạm tên lửa được trang bị vũ khí tận răng.
Chiếc thứ hai thuộc đề án 11356 mang tên Admiral Essen.
Phát súng tự bắn vào chân
Nga đã kịp chế tạo 3 chiếc tàu thuộc lớp này – "Đô đốc Grigorovich" và "Đô đốc Essen", hiện đang thuộc biên chế của Hạm đội Biển Đen từ năm nay, còn "Đô đốc Makarov" đang trong quá trình chạy thử nghiệm. Thêm 3 chiếc nữa đang được đóng mới.
Điều bất ngờ đã xảy ra, Ukraine từ chối cung cấp động cơ turbine khí. Các tàu khinh hạm tên lửa đang được đóng, tiền không thiếu, chúng rất cần cho hạm đội, nhưng không có động cơ thì chúng mãi mãi sẽ nằm lại trong xưởng.
Nga đã xem xét các phương án giải quyết tình hình, nhưng cuối cùng đã đi tới kết luận chỉ hoàn thiện một chiếc trong nước và bán nó cùng với 2 thân tàu khác cho Ấn Độ, sau đó sẽ hoàn thiện tại quốc gia này. Ukraine chỉ đồng ý giao động cơ tuốc bin khí nếu như những tàu chiến này thuộc biên chế của Hải quân Ấn Độ.
Từ đâu có quyết định này?
11356 là đề án tàu khinh hạm tên lửa "Talwar" mà Nga đóng và xuất khẩu cho Ấn Độ từ năm 1999, nhưng với một số thay đổi nhỏ. Tất cả đều là sự kế thừa của đề án 1135 chế tạo tàu tuần tra "Burebestnik" từ thời Liên Xô.
Khi đó, Ukraine là một nước cộng hòa thuộc Liên Xô, có hạ tầng sản xuất phát triển với nền tảng khoa học mạnh mẽ, và đã sản xuất các động cơ tuốc bin khí cho các loại tàu chiến của toàn liên bang. Và sau khi Liên Xô tan rã, hoạt động hợp tác sản xuất vẫn tiếp tục được triển khai.
Những năm qua, Nga đã đóng cho Ấn Độ 6 tàu khinh hạm tên lửa lớp "Talwar" và họ, như đã thấy, không từ chối mua thêm 3 chiếc tương tự với những điều kiện hấp dẫn.
Khinh hạm tên lửa lớp "Talwar" của Hải quân Ấn Độ.
Thế hạm đội của Nga thì sao? Không còn tàu tuần tra?
Thực ra, đề án 11356 chỉ là biện pháp tăng cường sức mạnh cho hải quân Nga mang tình tạm thời khi chưa hoàn thành xong quá trình thử nghiệm các tàu khinh hạm tên lửa hoàn toàn mới thuộc đề án 22350.
Những chiếc tàu thuộc đề án này có trọng tải 4.500 tấn, trang bị những loại vũ khí hoàn toàn khác và về tổng thể, hoàn toàn vượt trội so với các tàu 11356. Hiện nay, Nga đã hoàn thiện chiếc đầu tiên của đề án này – "Đô đốc Gorshkov" – nó đang trong quá trình thử nghiệm, chỉnh sửa thiết kế, thảo luận về những cải tiến cần thiết.
Ngành công nghiệp Nga cần thời gian để có thể thiết lập hoạt động sản xuất các tàu chiến thuộc đề án này. Kết quả là "Đô đốc Kasatonov" đang trong quá trình thử nghiệm neo đậu và thêm 2 chiếc nữa đang được triển khai đóng.
Từ giờ không còn các động cơ tuốc bin khí?
Mùa thu năm 2013, chiếc tàu tuần tra đề án Yastreb mang tên Neustrashimy, theo kế hoạch, đã vào xưởng sửa chữa, sau đó vào mùa đông, thêm chiếc tàu chống hạm hạng nặng «Đô đốc Chabanenko» cũng cập cảng sửa chữa.
Chúng cần phải sửa động cơ tuốc bin khí. Trong khi đang tiến hành tháo động cơ thì xảy ra đảo chính tại Ukraine và những khó khăn khác khiến cho các tàu chiến này nằm "đắp chiếu" vô thời hạn.
Nhưng không có gì mà các kỹ sư Nga không thể xử lý được. Tập đoàn công nghiệp Novik đã bắt tay vào công tác thiết lập sản xuất từ con số 0 và họ đã nhanh chóng làm chủ được công nghệ sửa chữa và bảo dưỡng các động cơ tuốc bin khí.
Ban đầu, các động cơ tuốc bin của Neustrashimy đã được đưa tới xưởng của Metallist-Samara, sau đó là của tàu Đô đốc Chabanenko. Nhưng kế hoạch sửa chữa bị gián đoạn – vào đầu năm 2015, thêm động cơ của chiếc tàu tuần tra Yaroslav Mudry bị hỏng và phải ưu tiên cho nó.
Yaroslav Mudry hoạt động trên biển đã từ lâu và nó từng chịu trách nhiệm tuần tra chống cướp biển trên vịnh Aden. Neustrashimy sẽ phải rời xưởng vào cuối năm nay. Còn «Đô đốc Chabanenko» sẽ phải chờ tới năm 2017.
Điều quan trọng nhất đó là không chỉ công nghệ sửa chữa và bảo dưỡng mà Novik còn bắt tay vào xây dựng quy trình sản xuất những động cơ mới và do đó, từ nay về sau các tàu tên lửa thế hệ mới của Nga sẽ không phụ thuộc vào bất cứ ai
Tổng kết
Tóm lại, giai đoạn chiến tranh kinh tế của Ukraine với Nga đã kết thúc như thế nào?
- Nga đóng lại hoạt động sản xuất các tàu tuần tra đề án 11356.
- Nga triển khai hoạt động sản xuất các tàu tên lửa đề án 11356 tại Ấn Độ mà sẽ sử dụng các phụ tùng của Nga.
- Nga có được hợp đồng nâng cấp xưởng đóng tàu Hindustan Shipyard Limited của Ấn Độ.
- Nga bảo đảm hoạt động liên tục cho lĩnh vực công nghiệp quốc phòng của mình bằng các đơn đặt hàng cung cấp vũ khí cho tàu chiến, tất nhiên người Ấn Độ sẽ không mua được những thiết kế tốt nhất của đề án, nhưng sẽ sở hữu những phiên bản tương tự.
- Nga đã thiết lập hoạt động sửa chữa động cơ các tàu chiến Nga của mình và tự chế tạo động cơ hoàn toàn mới.
- Ấn Độ sẽ tiếp nhận 3 chiếc tàu với những điều kiện có lợi, cộng thêm khả năng tự triển khai sản xuất trong nước.
- Ukraine có được khách hàng mới mua động cơ tuốc bin khí dành cho các tàu chiến đề án này của Ấn Độ. Thực ra sau này Ấn Độ sẽ tự chế tạo.
- Ukraine đánh mất khách hàng mua các động cơ tuốc bin khí dành cho tất cả các tàu chiến đang và sẽ đóng của Hải quân Nga. Cũng như sẽ mất các hợp đồng bảo dưỡng và sửa chữa hàng chục động cơ tuốc bin khí hiện có.
theo Trí Thức Trẻ

Phòng không Thái Lan quyết tâm vượt qua... Campuchia bằng tên lửa Trung Quốc

Phòng không Thái Lan quyết tâm vượt qua... Campuchia bằng tên lửa Trung Quốc


Mặc dù là một cường quốc quân sự hàng đầu khu vực, tuy nhiên sức mạnh lực lượng phòng không của Quân đội Hoàng gia Thái Lan lại quá yếu.



Quân đội Hoàng gia Thái Lan được trang mạng Global Firepower xếp hạng 20 thế giới và thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, nhìn chung đây là lực lượng quy mô lớn, có trong trang bị nhiều vũ khí, khí tài hiện đại ở cả 3 quân chủng Hải - Lục - Không quân.
Do vậy, sẽ rất bất ngờ khi biết rằng năng lực phòng không của Thái Lan quá yếu, phải trông chờ hoàn toàn vào pháo phòng không cũng như tên lửa vác vai tầm thấp, họ hoàn toàn không sở hữu tên lửa tầm trung.
Đứng trước yêu cầu mới, việc Quân đội Hoàng gia Thái Lan phải gấp rút nâng cấp sức mạnh tác chiến cho lực lượng phòng không là điều cấp thiết.
Toàn bộ sức mạnh của lực lượng phòng không Thái Lan được thể hiện rõ trong bức ảnh trên, từ trái sang phải gồm pháo phòng không tự hành M113 VADS, M42 Duster; tên lửa phòng không Starstreak và 9K38 Igla
Tạp chí Kanwa Asian Defence tháng 9 năm nay đã đăng bài viết với tiêu đề "Thái Lan nhập khẩu hệ KS-1 SAM", trong đó trích dẫn một nguồn tin từ ngành Công nghiệp Quốc phòng Thái Lan cho biết, Không quân quốc gia Đông Nam Á này đã hoàn tất hợp đồng mua hệ thống tên lửa phòng không KS-1/HQ-12 từ Trung Quốc.
Sau khi nhận bàn giao, Thái Lan sẽ trở thành nước thứ hai tại ASEAN (sau Myanmar) và thứ ba tại châu Á (sau Turkmenistan) có tổ hợp tên lửa tầm trung này trong biên chế. Đáng chú ý, cách đây không lâu Campuchia cũng bày tỏ mong muốn sẽ sớm nhận được KS-1 từ Trung Quốc, nhưng với diễn biến mới nhất thì Phnom Penh đã bị qua mặt.
Năm ngoái có báo cáo cho biết Bangkok và Bắc Kinh đã thực hiện một vài cuộc tiếp xúc về vấn đề đặt mua hệ thống tên lửa phòng không tầm xa FD-2000 (phiên bản xuất khẩu của HQ-9) có tầm bắn 125 km, nhưng do khó khăn về tài chính mà các bên nhất trí đổi sang KS-1. Dự kiến sắp tớiThái Lan sẽ chỉ tiếp nhận vỏn vẹn... 3 bệ phóng KS-1C cùng một cơ số nhỏ đạn đi kèm.
Hệ thống tên lửa phòng không tầm trung KS-1/HQ-12 của Trung Quốc trong một cuộc duyệt binh
KS-1 là hệ thống tên lửa đất đối không đầu tiên của Trung Quốc sử dụng radar quét mảng pha, nó được thiết kế nhằm thay thế các tổ hợp HQ-2 (bản sao S-75 Dvina - SA-2 của Liên Xô).
Hệ thống KS-1 thử nghiệm thành công vào năm 1989, quá trình phát triển hoàn tất trong năm 1994 và nó chính thức được ra mắt tại Triển lãm Hàng không Chu Hải năm 1998. Sau đó đến năm 2006, Trung Quốc giới thiệu biến thể nâng cấp KS-1A được tăng cường năng lực chống lại các mục tiêu có diện tích phản xạ radar nhỏ cũng như độ cơ động cao.
Radar quét mảng pha thụ động thế hệ mới H-200 (cải tiến từ radar SJ-202 của KS-1) của KS-1A, có tầm phát hiện mục tiêu tối đa 115 km, theo dõi từ cự ly 80 km, dẫn đường cho tên lửa ở tầm 50 km. Theo tuyên bố từ nhà sản xuất, radar này có thể điều khiển 6 tên lửa tấn công 3 mục tiêu cùng lúc (phân bổ 2 tên lửa cho 1 mục tiêu).
Phiên bản KS-1C Thái Lan đặt mua là loại nâng cấp, tầm bắn trong khoảng 5 - 70 km đối với mục tiêu là máy bay, hoặc 7 - 30 km khi chống lại tên lửa hành trình, trần bay 0,3 - 27 km (so với 0,3 - 25 km của KS-1A). Các thông số còn lại bao gồm vận tốc, khả năng chịu quá tải của tên lửa, tấn công mục tiêu bay có tốc độ và độ cơ động bao nhiêu vẫn chưa được công bố.
theo Trí Thức Trẻ

Tổng cục Kỹ thuật nghiệm thu sửa chữa xe tăng thiết giáp tại Lữ đoàn 147 Hải quân

Tổng cục Kỹ thuật nghiệm thu sửa chữa xe tăng thiết giáp tại Lữ đoàn 147 Hải quân


                                                   Xe thiết giáp BTR-60PB của Lữ đoàn 147

Ngày 28/10, Tổng cục Kỹ thuật đã tổ chức nghiệm thu sửa chữa đồng bộ xe tăng thiết giáp năm 2016 của Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 147, Vùng 1 Hải quân.



Quang cảnh buổi nghiệm thu
Qua hơn 6 tháng làm công tác chuẩn bị, Lữ đoàn 147 đã sửa chữa, đồng bộ 25 xe tăng, thiết giáp theo kế hoạch đã được phê duyệt. Nội dung sửa chữa gồm: Bảo dưỡng, sửa chữa khắc phục các hư hỏng; kiểm tra, điều chỉnh các cụm, bộ phận của cả phần xe, phần vũ khí, thiết bị thông tin liên lạc và các hệ thống, thiết bị đặc chủng khác.
Trước đó, Lữ đoàn đã tổ chức nghiệm thu cấp cơ sở chặt chẽ, nghiêm túc, đúng quy trình: Kiểm thử trên các trang, thiết bị đo lường hiện có, chú trọng "thử động" để kiểm tra chất lượng hoạt động, độ bền, độ ổn định của vũ khí, trang bị kỹ thuật và trang thiết bị kèm theo. 
Xe chạy thử trên bãi từ 3 - 5 km để kiểm tra tình trạng kỹ thuật của các hệ thống, kết hợp lái, ngắm bắn ban đêm; thử độ kín và kiểm tra khả năng bơi nước theo tiêu chuẩn kỹ thuật.
Hội đồng kiểm tra thực tế xe
Hội đồng nghiệm thu đã kiểm tra tình trạng đồng bộ và nhất trí với nghiệm thu cấp cơ sở cho 100% số xe; nổ máy thử xe tại chỗ kết hợp kiểm tra hoạt động của các hệ thống vũ khí, thông tin liên lạc, thiết bị đặc chủng; ngâm nước thử độ kín các loại xe tăng thiết giáp bơi nước; tổ chức kiểm tra lái 30 km... Hội đồng đánh giá đơn vị hoàn thành tốt kế hoạch đề ra.
theo Báo Hải quân Việt Nam

Nhật Bản, Mỹ và Australia tăng cường chia sẻ thông tin mật

Nhật Bản, Mỹ và Australia tăng cường chia sẻ thông tin mật


Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada. (Nguồn: Kyodo/TTXVN)

Đài NHK đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada cho biết, Lực lượng Phòng vệ nước này (SDF) cùng quân đội hai nước Mỹ và Australia sẽ thúc đẩy chia sẻ thông tin mật khi tiến hành tập trận chung.

SDF và các lực lượng của Mỹ, Australia tổ chức tập trận chung đều đặn trong bối cảnh môi trường an ninh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương phải đối mặt với ngày càng nhiều khó khăn.
Giới chức quốc phòng 3 nước này có kế hoạch đơn giản hóa thủ tục cần thiết để trao đổi thông tinvề những vấn đề như thành lập các đơn vị và năng lực thiết bị.
Theo các quan chức SDF, điều này sẽ giúp tiến hành tập trận chung suôn sẻ hơn.
Họ cho biết sẽ lên kế hoạch thúc đẩy hơn nữa hợp tác 3 bên về an ninh trên biển và các hoạt động cứu nạn.
theo VietnamPlus

Thứ Hai, 24 tháng 10, 2016

Chiến hạm Trung Quốc cập cảng Cam Ranh thuộc lớp tàu hộ vệ mạnh nhất

Chiến hạm Trung Quốc cập cảng Cam Ranh thuộc lớp tàu hộ vệ mạnh nhất

Tàu hộ vệ tên lửa Tương Đàm 531 tiến vào cảng quốc tế Cam Ranh trưa 22/10. Ảnh: Xuân Ngọc.
Ngày 22/10, hai tàu khu trục tên lửa dẫn đường Tương Đàm 531, Châu Sơn 529 cùng tàu tiếp vận Sào Hồ 890 của hải quân Trung Quốc đã cập cảng quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa), bắt đầu chuyến thăm Việt Nam kéo dài đến 26/10, nhằm thắt chặt quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Theo chuyên trang quốc phòng IHS Jane's, cả ba tàu chiến trong biên đội tàu này đều thuộc Hạm đội Đông Hải, lực lượng phụ trách vùng biển tiếp giáp Nhật Bản và đảo Đài Loan. Trong khi Sào Hồ 890 là tàu hậu cần lớp Type-093A, hai tàu chiến còn lại trong biên đội đều là tàu hộ vệ tên lửa lớp Type-054A, được đánh giá là những tàu chiến hiện đại nhất có mặt trong biên chế của Hải quân Trung Quốc (PLAN).
Tàu Châu Sơn 529 là tàu đầu tiên của lớp Type-054A, được biên chế năm 2008. Tàu Tương Đàm 531 là chiếc mới nhất gia nhập biên chế PLAN vào đầu năm 2016. 
Được NATO định danh là Giang Khải II, Type-054A là lớp tàu hộ vệ tên lửa đa năng, được đưa vào biên chế PLAN từ năm 2007. Trong năm nay, Trung Quốc đã đưa vào vận hành 22 chiếc trong tổng số 24 tàu lớp Giang Khải II dự kiến đóng.
Theo chuyên gia phân tích quân sự Ridzwan Rahmat của IHS Jane's, Type-054A là một trong những loại tàu hộ vệ tên lửa mạnh nhất tại châu Á hiện nay. Tàu có chiều dài 134 m, rộng 16 m, lượng giãn nước tối đa 4.053 tấn. Tàu Type-054A sử dụng 4 động cơ diesel Thiểm Tây 16 PA6 STC, cho tốc độ tối đa gần 50 km/h và tầm hoạt động liên tục là 14.800 km.
Các hệ thống vũ khí trên tàu hộ vệ tên lửa Type-054A Trung Quốc. Ảnh: Xuân Ngọc
Vũ khí tấn công chính của tàu chiến lớp Type-054A là 8 tên lửa diệt hạm YJ-83 với tầm bắn khoảng 120-180 km. Tàu được trang bị một hệ thống phóng thẳng đứng với 32 quả tên lửa phòng không HHQ-16 (tầm bắn 50 km). Type-054A mang một pháo chính PJ-26 76 mm, hai pháo 7 nòng Type-730 cỡ 30 mm để phòng không tầm gần. Vũ khí chống ngầm gồm 6 ống phóng ngư lôi 324 mm và 12 ống phóng rocket Type-87 240 mm.
Các tàu hộ vệ tên lửa lớp Type-054A của Trung Quốc đều có thiết kế tàng hình, với nhiều góc nghiêng ở phía trên để phân tán tín hiệu radar, trong khi toàn bộ thân tàu được phủ vật liệu hấp thụ sóng radar và có rất ít chi tiết thừa ở bên ngoài.
Tàu hậu cần tiếp vận Sào Hồ 890 thuộc lớp Type-903A, bắt đầu được đưa vào biên chế Hạm đội Đông Hải năm 2013. Đây là một trong 8 tàu tiếp vận lớp Type-903A đang vận hành trong hải quân Trung Quốc.
Tàu tiếp vận Sào Hồ 890 tại căn cứ. Ảnh: Shipspotting.
Tàu có chiều dài 178m, rộng 24,8m và lượng giãn nước khoảng 23.400 tấn, được trang bị hai động cơ diesel cho tốc độ tối đa khoảng 36 km/h, tầm hoạt động tối đa 18.000 km. Thủy thủ đoàn gồm 130 người.
Tàu tiếp vận lớp Type-903A có thể chở theo 10.500 tấn nhiên liệu, 250 tấn nước ngọt, 680 tấn hàng hóa và đạn dược. Tàu đủ sức tiếp vận cho một biên đội tàu chiến nhỏ như hai chiếc Type-054A trong thời gian dài. Để tự vệ, Type-903A có 4 ụ pháo hai nòng J-76F cỡ 37 mm. Ngoài ra, tàu có thể chở theo một trực thăng đa dụng Harbin Z-9.